Nam Du là địa điểm du lịch đang “hot” trong những năm gần đây, điều thu hút du khách hơn cả đó chính là khung cảnh giao thoa giữa trời và đất đầy hoang sơ.
Quần đảo Nam Du ở đâu?
Quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, đây là đảo xa nhất của huyện Kiên Hải, cách Rạch Giá khoảng 89 km, với diện tích khoảng 1.054ha, bao gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 11 đảo có cư dân sinh sống. Sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, hữu tình với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, những rạn san hô, đàn cá đủ sắc màu cùng nhiều loại hải sản tươi ngon, vì vậy Nam Du được ví như là một vịnh Hạ Long thu nhỏ giữa lòng biển khơi phương Nam, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.
Quần đảo Nam Du có từ lâu nhưng mãi đến năm 2005 mới được chính thức công nhận là một đơn vị hành chính của Việt Nam, hiện chưa rõ tên gọi “Nam Du”xuất phát từ đâu. Có nguồn cho rằng tên gọi này đã có từ thời vua Gia Long, nhưng nguồn khác lại cho rằng tên “Nam Du” là từ tên “Nam Dự” do người Pháp ghi theo cách gọi của các cụ đồ Nho giáothời xưa.
Năm 2014, Nam Du chính thức được khai thác du lịch, đến năm 2015 bộ mặt của đảo đã có những chuyển biến rõ rệt: Quán xá xuất hiện ngày càng nhiều, một số người dân dùng tàu có sẵn hoặc mua ca nô chở du khách tham quan, dịch vụ lưu trú được đầu tư thuận tiện cho du khách bốn phương du lịch đến đây.
Du lịch Nam Du mùa nào đẹp nhất?
Về cơ bản đảo Nam Du mát mẻ, dễ chịu quanh năm, thời tiết được chia thành 2 mùa rõ rệt: Mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, còn mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11.
Biển Nam Du từ tháng 1 đến tháng 3 thì hiền hòa và em dịu nhất, trong khoảng thời gian này du khách đến đây tha hồ tắm biển, đi dạo trên bờ cát mà không lo phải trú mưa. Ngược lại, mùa mưa trên đảo diễn biến khá là phức tạp, mưa bão xuất hiện với tần suất cao, đặc biệt là vào khoảng tháng 6 đến tháng 8, đi kèm với biển động là những cơn sóng dữ gây khó khăn cho hành trình du lịch.
Vào các dịp cuối tuần, nghỉ lễ thì lượng du khách đến đảo Nam Du rất lớn, giá cả nhiều dịch vụ có thể tăng theo nhu cầu, vì vậy nếu sắp xếp được thời gian thì bạn nên đi du lịch đến đây vào những ngày thường để vừa thoải mái mà giá cả cũng phải chăng. Ngoài ra, nếu bạn chọn đi du lịch đến đây vào mùa du lịch thì tốt nhất bạn nên đặt tour hoặc đặt chỗ ở trước vài tuần để tránh bị hết tour hoặc chỗ ở.
Di chuyển đến Nam Du bằng phương tiện gì?
Cách thông thường là bạn có thể di chuyển bằng xe khách, xe du lịch hoặc xe máy đến Bến tàu cao tốc Rạch giá, sau đó bạn mua vé tàu cao tốc để di chuyển ra Nam Du.
Cách tiện lợi và thoải mái hơn nhưng hơi tốn kém đó là bạn di chuyển bằng máy bay đến sân bay Phú Quốc, rồi đi taxi ra Bến tàu cao tốc Phú Quốc, sau đó bạn mua vé tàu cao tốc để di chuyển đến Nam Du.
Còn một cách nữa cũng hơi tốn kém đó là bạn di chuyển bằng máy bay đến Sân bay Rạch Sỏi, rồi đi taxi ra Bến tàu cao tốc Rạch giá, sau đó bạn mua vé tàu cao tốc để di chuyển ra Nam Du.
Đến đảo Nam Du bạn di chuyển bằng phương tiện gì?
• Xe máy là phương tiện di chuyển chính ở trên đảo.
• Tàu du lịch hoặc ca nô: Đây là phương tiện để bạn đi tham quan, trải nghiệm và khám phá các đảo thuộc quần đảo Nam Du.
Đến đảo Nam Du thì ở đâu?
Hiện tại Nam Du chưa có điện lưới quốc gia, nhưng nhà nước có máy phát điện để phục vụ những người dân trên đảo, vì vậy nhà nghỉ ở đây rất nhiều, bên cạnh đó cũng có một số homestay… Tuy nhiên, dù ở đâu phòng nghỉ cũng có máy lạnh, wifi,… để phục vụ nhu cầu của du khách.
Đi đâu khi đến đảo Nam Du?
* Hòn Lớn hay còn gọi là Hòn Củ Tron: Đây là hòn đảo lớn nhất trong quần thể 21 đảo, dưới đây là những địa điểm cần khám phá khi tới Hòn Lớn:
• Bãi Chệt: Khu vực này có cảng biển lớn nhất quần đảo, được xây dựng từ năm 1996-1998, nơi đây được biết đến là địa điểm mua sắm sầm uất nhất tại đảo Nam Du, đến với bãi Chệt du khách có thể bắt gặp các gian hàng bán đầy đủ các loại hải sản khô và tươi sống, quầy bách hóa, quán ăn, cà phê, nhà nghỉ… đây cũng là khu trung tâm của đảo, địa điểm đông đúc và khá nhộn nhịp khi về đêm.
• Bãi Ngự: Nằm ở phía tây hòn Củ Tron, vào mùa khô bãi này vẫn đầy đủ nước ngọt trong khi các khu vực khác thiếu nước trầm trọng. Bãi Ngự cũng được bao phủ bởi bãi cát trắng trải dài và những hàng dừa thẳng tắp. Tại đây có một cái giếng luôn đầy nước được gọi là giếng Vua đã có từ lâu đời.
• Bãi cây Mến: Bãi này được ví như như thiên đường Maldives. Tại đây, du khách có thể lang thang trên bãi cát trắng, hòa mình vào làn nước biển trong xanh và mát lạnh.
• Ngọn Hải Đăng Nam Du: Được xem là ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam nhờ nằm trên đỉnh đồi cao hơn 308m so với mực nước biển, với độ cao đó du khách có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp toàn cảnh bên dưới ở một phạm vi rộng, đặc biệt là du khách đến với nơi này với mục đích đón bình minh vào buổi sáng sớm là lựa chon tuyệt vời.
* Hòn Dầu: Cách Hòn Lớn khoảng 20 phút đi tàu, nơi đây là điểm du lịch từng được biết tới là “thiên đường lãng quên”, song đến nay đã dần nhộn nhịp hơn khi lượng du khách tăng dần.
* Hòn Mấu: Cách Hòn Lớn khoảng 30 phút đi tàu, trên hòn có khoảng 600 nhân khẩu chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, dưới đây là những địa điểm cần khám phá khi tới Hòn Mấu:
• Bãi Chướng: Có bờ biển trải dài, cát trắng mịn cùng nước biển xanh màu ngọc bích, đây được xem là bãi biển đẹp nhất của Hòn Mấu. Có khi ra đến hàng chục mét vẫn nhìn thấy rõ được tận đáy.
• Bãi Bấc hay còn gọi là Bãi Đá Đen: Là nơi có những hòn đá lớn, nhỏ nhấp nhô theo từng con nước, nơi đây có vô số những viên đá đen với nhiều hình dạng khác nhau, điểm đặc biệt là màu đen của nó là tự nhiên không hề có sự tác động của con người.
• Bãi Đá Trắng: Toàn bãi đá chỉ duy nhất một màu trắng, nằm dọc theo bãi biển. Hầu như ở Bãi Đá Trắng không có cát, chỉ toàn những viên đá trắng bằng ngón tay hoặc bàn tay, các bạn có thể check-in và nhặt lấy một vài viên đá mình ưng ý về làm kỷ niệm.
• Bãi Nam: Là mặt tiền của Hòn Mấu và là nơi tập trung đông dân cư sinh sống, đây cũng là địa điểm diễn ra các hoạt động giao lưu buôn bán và trao đổi hàng hóa.
* Hòn Nồm: Nơi đây vẫn còn giữ lại được nét hoang sơ vốn có của nó, đặc biệt là những hàng dừa ngút ngàn tạo nên một khung cảnh màu xanh giữa biển khơi.
* Hòn Ngang: Để tới đây bạn mất khoảng 30 phút đi tàu nhỏ từ Hòn Lớn, trên hòn có khoảng 900 hộ dân đang sinh sống và làm việc, đa số sống bằng nghề đánh bắt và nuôi hải sản.
* Hòn Hai Bờ Đập: Gồm 2 bờ nối liền bằng dãy đá tự nhiên, dãy đá này có hình giống như con đập. Nơi đây vẫn còn rất hoang sơ và có nhiều rạn san hô đủ màu sắc, thích hợp cho du khách đến đây tắm biển và lặn ngắm san hô.
Nam Du có trải nghiệm gì thú vị?
• Lặn ngắm san hô: Đến Nam Du mà không lặn ngắm san hô thì là điều vô cùng hối tiếc đấy, để trải nghiệm bạn có thể thuê tàu du lịch nhưng đặt tour thì sẽ được trải nghiệm trọn vẹn hơn nhé vì trong các tour du lịch đều có chương trình này nên bạn không cần phải lo lắng quá đâu, bạn sẽ được đắm mình vào làn nước biển trong xanh, mát lạnh, ngắm nhìn những rạn san hô đủ màu sắc vô cùng sinh động.
• Câu mực đêm: Ngoài việc lặn ngắm san hô, dịch vụ tour câu mực đêm ở Đảo Nam Du được tổ chức hằng đêm khởi hành từ lúc 6h00 chiều đến 9h00 tối với lịch trình ngắm hoàng hôn trên đảo, tàu dừng ở điểm có nhiều mực, hdv địa phương hướng dẫn bạn cách câu được nhiều mực và cuối cùng là cùng nhau thưởng thức món cháo mực nóng hổi được thủy thủ tàu nấu ngay trên biển để đãi du khách, đây sẽ là trải nghiệm thật thú vị khi bạn đặt chân đến Nam Du.
Nam Du có món gì ăn ngon?
Đa phần các đặc sản ở Nam Du đều liên quan tới hải sản, dưới đây là những món ăn nhất định bạn phải thử khi đến Nam Du.
1. Cá xương xanh nướng: Giống cá này có phần xương màu xanh, thân tròn, dài, miệng nhọn. Cá này có thể chế biến thành nhiều món nhưng ngon nhất vẫn là nướng bẹ chuối, khi thưởng thức người ta thường dùng với bánh tráng và rau rừng.
2. Nhum nướng: Nhum biển hay còn gọi là cầu gai, dù vẻ ngoài gai góc nhưng ăn rất ngon. Khi nướng người ta dùng kéo cắt hết gai, cắt đôi rồi đem nướng, sau đó cho thêm chút mỡ hành và đậu phộng cho dậy mùi.
3. Lẩu cá bớp: Cá bớp được nuôi trong lồng bè, hình dáng thon dài, màu đen. Sau khi bắt lên, cá được làm sạch, xào qua rồi cho vào nồi nước lẩu. Đặc sản Nam Du này có vị chua thanh, hơi ngọt cùng thịt cá bớp chắc, không bở.
4. Ghẹ biển hấp: Điểm nổi bật nhất của ghẹ Nam Du là kích cỡ to, thịt chắc. Thông thường người ta thường để nguyên con ghẹ rửa qua rồi hấp cùng bia, xả… một số chỗ còn thích đậm đà hơn thì cho thêm chút muối, bột canh hoặc hạt nêm.
5. Sò điệp nướng mỡ hành: Sò điệp là loại hải sản có cùi trắng ngà, thơm mà không dai. Nó thích hợp cho cho món xào hoặc rang. Đây cũng là nguyên liệu chính cho nhiều món ăn bổ dưỡng như nướng mỡ hành, hấp cuộn miến.
6. Mực trứng hấp gừng: Mực trứng được thu hoạch nhiều trong mùa sinh sản. Số lượng con mực có trứng khi này chiếm đến 70%. Mực trứng rất dễ chế biến thành nhiều món ngon như chiên ớt, chiên xù, chiên bơ, nướng cay… Tuy nhiên mực trứng ngon nhất vẫn là hấp vì ăn có vị thanh và không ngán
7. Cá bò hòm nướng: Cá Bò Hòm hay còn gọi là “Cá thiết giáp”, “Gà nước mặn”, trông hình dáng rất ngộ nghĩnh với bộ khung xương cứng chắc dưới lớp da lốm đốm đen. Cá bò hòm hiện là loại cá hot trên thị trường, thịt cá dai, ngọt thơm như thịt gà. Cá bò hòm rất dễ chế biến thành nhiều món ngon mà ngon nhất vẫn là nướng.
8. Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức thêm một số loại hải sản nữa ở ngay khu vực cầu cảng Hòn Lớn như: Ốc tai tượng, ốc mặt trăng, hàu đá…
Nam Du có đặc sản gì mua về làm quà? Du lịch Nam Du có một số đặc sản mà bạn có thể mua về làm quà như: Tôm khô, cá khô, mực một nắng,… và các loại hải sản tươi sống.
Cần những gì trước chuyến du lịch Nam Du?
• Điều quan trọng nhất trước chuyến du lịch đảo Nam Du là chọn lịch trình phù hợp và tìm hiểu kỹ thông tin, đừng quên tính tới việc đặt tour trước để tránh tình trạng không có (hết) vé tàu cao tốc, chỗ nghỉ…
• Trang phục: Tùy vào sở thích của mỗi người mà bạn có thể chuẩn bị những bộ đồ yêu thích để sống ảo. Quần shoot, áo thun thích hợp với những chuyến di chuyển xa. Bikini, đồ bơi thì lại thích hợp với việc tắm biển hoặc hoạt động trên biển. Nếu muốn phong cách hơn, bạn có thể đầu tư khăn choàng rộng, mũ rộng vành, kính râm, ô, kem chống nắng và đôi dép tông sẽ phù hợp hơn với các buổi đi dạo ven biển.
• Thuốc men và vật dụng cá nhân: Đồ dùng cá nhân thường được nhà nghỉ, homestay trang bị, nhưng bạn cũng nên chuẩn bị sẵn nếu lo ngại vấn đề vệ sinh (các món đồ cá nhân cần mang theo gồm bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn mặt, xà bông, dầu gội…). Một số loại thuốc cơ bản như thuốc cảm cúm, thuốc giảm đau, thuốc say sóng, băng dán cá nhân…
• Đặc biệt, hãy mang theo những người bạn đồng hành để cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt vời nhé.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của namdutravel.vn sẽ giúp cho bạn có một chuyến du lịch Nam Du hoàn hảo nhất. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về việc lên kế hoạch cho chuyến đi của mình thì hãy đồng hành cùng namdutravel.vn. Chúc bạn có những khám phá và trải nghiệm tuyệt vời nhất tại Quần đảo Nam Du nhé!